1. Giống
– Nhóm chuối Tiêu: Năng suất cao, chất lượng tốt, mùi vị thơm ngon, phù hợp với những vùng khí hậu có mùa đông lạnh. Đòi hỏi đất tốt, độ ẩm cao.
– Nhóm chuối Tây: Cây cao, sinh trưởng khỏe, không kén đất và có khả năng chịu hạn nóng tốt. Quả to, mập, ngọt đậm nhưng lại kém thơm hơn so với các giống khác.
– Nhóm chuối Ngự: Cây cao từ 2,5 – 3 m, quả nhỏ màu sáng đẹp, thịt quả chắc, có vị thơm đặc biệt nhưng năng suất thấp.
Tùy nhu cầu sử dụng, người trồng nên lựa chọn giống chuối phù hợp.
Người trồng có thể sử dụng giống từ tách chồi hoặc mua giống từ các cơ sở nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô:
Chọn giống từ tách chồi: Chọn chuối con “lá lưỡi mác” có gốc to và ngọn nhỏ, cao 1 – 1,5m, đường kính thân (chỗ cách gốc 20cm) là 15 – 20 cm.
Cây con không sâu bệnh, sinh trưởng tốt và là cây thứ 2, thứ 3 ở cây mẹ đã trổ buồng. Đào toàn bộ củ và rễ của cây lên, gọt bỏ hết rễ trên củ, cắt 2/3 lá xòe, giữ nguyên lá cuốn (chỉ để 1 lá ngọn trên cây). Chọn cây giống cách xa cây mẹ. Khi đánh cần lưu ý không được đâm sứt sát thân gốc cây giống.
Chọn giống từ nuôi cấy mô: Có độ đồng đều cao, khi trồng có khả năng sinh trưởng phát triển tương đương nhau, vườn chuối trồng từ nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch đồng loạt.
2. Thời vụ trồng
Cây chuối không yêu cầu nghiêm ngặt về thời vụ, có thể trồng quanh năm. Để có thể thu hoạch chuối vào dịp tết Nguyên Đán, nên trồng chuối vào thời gian sau tết là thích hợp nhất (chọn những cây mà chồi nhú từ tháng 11, 12 năm trước).
3. Chuẩn bị đất
– Chọn đất trồng: Có thể trồng chuối trên nhiều loại đất khác nhau như đất thịt nhẹ, đất phù sa, nhưng yêu cầu tầng canh tác đất phải >75 cm, có độ xốp cao, đất giàu mùn, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt, độ pH của đất là từ 4.5 – 8, tối thích từ 6.5 – 7. Mực nước ngầm nên ở sâu hơn 0.8 – 1m. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.
Lưu ý: Tránh trồng chuối ở những nơi hay xảy ra ngập lụt, tuy chuối là loài cây ưa ẩm nhưng nếu bị ngập nước lâu chuối sẽ nhanh chết, bị thối rễ và sâu bệnh phát sinh gây hại.
– Làm đất:
+ Có thể cày hoặc không cày, dọn sạch cỏ dại, lên luống rộng khoảng 3 m, cao 30 – 40 cm, đào hố trồng giữa luống. Khi làm đất tránh làm nén đất, không san ủi lớn, trộn lẫn đất mặt với lớp đất dưới vì rễ chuối yếu, ăn nông.
+ Đào hố trồng và bón phân: Đào hố sâu 40 – 60 cm; rộng 40 – 60 cm. Trước khi trồng 20 ngày, dùng 0.5 kg vôi bột xử lý cho một hố trồng. Trước khi trồng 10 – 15 ngày trộn tro trấu, phân chuồng hoai mục 10 – 15 kg (hoặc phân hữu cơ vi sinh) và 0,2 kg lân Super với lớp đất mặt, đảo đều rồi lấp đầy hố.
4. Mật độ trồng
Mật độ trồng phụ thuộc vào giống chuối, giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối Tiêu lùn, chuối Ngự có thể trồng dày, còn các loại khác như chuối Tiêu cao, chuối Tây… trồng thưa hơn. Khoảng cách trồng 3 x 3 m (mật độ 1.100 cây/ha) hoặc 3 x 2.5 m (mật độ 1.300 cây/ha).
5. Cách trồng
Dùng cuốc moi 1 hốc ở giữa hố trồng, rộng khoảng 30 cm để đặt cây chuối con vào (hố trồng đã được chuẩn bị trước 15 – 20 ngày), cổ của cây nằm ở vị trí sâu khoảng 10 cm cách mặt đất, chú ý đặt cây thẳng đứng để tránh cây bị đổ và mọc nghiêng sau này. Tiếp theo, lấp đất kín gốc cây, vừa lấp vừa giậm nhẹ để cây in gốc, lấp đất kín trên thân ngầm 5 – 6 cm. Cần lèn chặt gốc cây để cây không bị gió lay lật, làm đổ cây, đứt rễ non, tạo cho cây được tiếp xúc chặt chẽ với đất để ra rễ được thuận lợi.
Chú ý lèn cho đất chặt, nhưng không nên lèn đất ép chặt vào thân giả, làm cho bẹ của thân giả bị ép chặt, điểm sinh trưởng không phát triển lên được.
6. Phân bón
Bón phân cho cây đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng để cây sinh trưởng tốt nhất. Sau trồng cần bón như sau:
Lần 1: Sau khi trồng xong, tiến hành đào 1 rãnh vòng quanh, cách gốc 20 – 30 cm để rắc phân vào. Mỗi gốc bón 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục (hoặc hữu cơ vi sinh) + 120 gam ure + 200 gam Lân Super + 200 gam Kaliclorua. Sau đó lấp kín phân, tưới nhẹ đủ ẩm.
Lần 2: Sau trồng 1,5 – 2 tháng, bón 500 gam NPK (12:8:12)/1 gốc (tương ứng 130 gam đạm ure, 240 gam lân super, 100 gam Kaliclorua).
Lần 3: Sau trồng khoảng 5 tháng, tức 1 tháng trước khi cây trổ buồng.
Lần 4: Sau khi cây ra buồng 1 tháng.
Lần bón thứ 3 và thứ 4, sử dụng loại phân và số lượng giống nhau, gồm 100 gam đạm ure + 200 gam Kali/1 gốc.
Bón xung quanh hốc, xới nhẹ đất để tạo độ thông thoáng cho bộ rễ. Bón phân nên kết hợp với việc làm cỏ, tưới nước cho cây. Lượng phân bón tùy theo loại đất, nếu đất chua cần bón thêm vôi.
7. Biện pháp chăm sóc cây chuối
– Tưới nước: Chuối là loại cây cần nhiều nước, 1 tháng đầu tiên tưới 2 ngày/lần. Sau đó, tưới mỗi tuần một lần để duy trì độ ẩm đất 70 – 80%.
– Trồng dặm: Sau trồng khoảng 1 tháng nếu cây nào chết, sinh trưởng kém, cần trồng bổ sung, thay thế, nên trồng những cây có kích thước tương đương.
– Tỉa chồi: Chuối là cây mọc thành bụi, sau khi trồng, chúng thường sinh sản từ 5-10 chồi, vì thế cần phải chặt bớt để cây tập trung dinh dưỡng đi nuôi cây chính, nuôi quả, chỉ để lại từ 1-2 chồi phục vụ cho vụ sau. Những chồi nhú vào tháng 4, 5 cần cắt bỏ vì nếu để chuối sẽ trổ hoa vào tháng 1, 2 năm sau, gặp rét buồng bé, xấu, thậm chí nghẹn buồng. Để chuối chín vào tháng 12 thì cần để những chồi nhú vào tháng 11 năm trước.
– Cắt bỏ lá già, khô: Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ kịp thời các lá già, lá khô bám xung quanh thân chuối để tập trung dinh dưỡng và hạn chế nguồn bệnh, tạo độ thông thoáng cho cây phát triển.
– Cắt hoa đực (Bắp chuối): Khi được khoảng 10 – 13 nải/buồng, tiến hành cắt bắp. Nên tiến hành vào buổi trưa, lúc trời khô, không mưa để vết cắt mau khô, hạn chế mất nhựa, tránh bị sâu bệnh xâm nhập. Sau cắt có thể dùng tro sạch bôi vào vết cắt, giúp vết cắt mau khô và có tác dụng sát trùng. Không nên bẻ vì vết thương lâu khô.
– Bao buồng quả: Dùng túi nilon để bao buồng giúp tăng kích thước quả và rút ngắn thời gian từ ra buồng đến thu hoạch.
– Làm cây chống buồng: Sau khi cây ra buồng được khoảng 1 tháng cần làm cây chống buồng để giữ cho cây không bị đổ khi gặp gió.
Tổng hợp.