Dưa lưới là một loại cây trồng được quan tâm sản xuất trong những năm qua. Với ưu điểm là giá thành ổn định và năng suất cao, dễ kiểm soát dịch bệnh. Các mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tốn chi phí có thể chấp nhận được nên đã đưa nhiều nông dân quan tâm để sản xuất.
Dưa lưới thích nghi với điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh sáng. Không nên trồng dưa lưới vào thời tiết lạnh, trời âm u vì dưa sẽ phát triển chậm, dễ bị sâu bệnh phá hoại và cho năng suất thấp.
Đất trồng dưa lưới cần đất tơi xốp thoát nước, nên trồng dưa lưới trên các loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, trong đó đất trộn trấu là thích hợp nhất.
1.Chuẩn bị hạt giống và vườn ươm trồng dưa lưới
Chuẩn bị giá thể và làm sạch vườn ươm cây giống.
Phải chọn loại hạt giống tốt, phù hợp với từng vùng miền. Nếu là hạt giống F1 thì hạt giống sẽ chuẩn và khả năng nảy mầm cao. Nếu hạt giống nội địa và không có thương hiệu thì hạt giống có sức nảy mầm và đề kháng kém, đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến cho năng suất trái. Đo tỉ lệ nảy mầm của hạt giống, tỉ lệ nảy mầm của hạt giống F1 nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản là gần như tuyệt đối, đạt 99%.
Bên trong nhà kính ươm cây con cần đạt nhiệt độ và độ ẩm nhất định, trang bị hệ thống tưới phun sương giữ ẩm để cây con phát triển. Sử dụng lưới che nắng nhằm giảm lượng nắng trực tiếp chiếu vào cây con.
2. Ươm cây con trồng dưa lưới
Cần ngâm ủ hạt trước khi gieo (hạt F1 thì không cần phải ngâm ủ mà có thể trồng trực tiếp). Ngâm hạt với nước ấm (2 sôi: 3 lạnh) từ 4 – 6 tiếng, sau đó dùng mảnh vải (có khả năng giữ ẩm tốt) để ủ hạt. Khi thấy hạt bắt đầu nứt nanh, tiến hành cho vào bầu ươm.
Sau khi đã ủ hạt xong thì cho vào bầu ươm rồi phủ một lớp đất mỏng lên, để ở chỗ râm mát và tưới nước giữ ẩm cho hạt.
Sau 2 ngày ươm giống, cây bắt đầu nảy mầm, bạn chỉ cần tưới nước với lượng vừa đủ để cây phát triển. Sau khoảng 8 – 10 ngày thì cây bắt đầu cho 2 lá thật.
3. Chuẩn bị giá thể trồng dưa lưới
Giá thể trồng có rất nhiều loại, nhưng phù hợp nhất cho cây dưa lưới phát triển là tro trấu, xơ dừa và phân trùn quế.
Giá thể được phối trộn theo tỉ lệ như sau:
- 60 – 65% xơ dừa
- 5 – 10% tro trấu hun
- 30% phân trùn quế
Tiến hành trộn đều các thành phần của giá thể, sau đó dùng màng phủ đậy kính và tưới nước ẩm trước khi trồng 1 tuần.
Chú ý: xơ dừa cần phải rửa chát trước khi trồng.
4. Gieo cây con trồng dưa lưới
Sau khi cây phát triển từ 2-3 lá thật, tiến hành trồng vào đất đã chuẩn bị trước đó. Vì dưa lưới cho trái to nên nếu trồng trong thùng xốp hoặc xô chậu thì phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng.
Tạo hố đất sâu, nhấc nhẹ cây dưa lưới con ra, rạch bao nylon rồi đặt bầu vào lỗ đục sẵn, vùi kín bầu cây dưới đất, đôn cho chặt gốc. Luôn giữ ẩm cho cây trong thời gian đầu.
Nên trồng cây vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt. Khi trồng cây con xong cần tưới nước mỗi ngày 2 lần và che phủ tạo bóng râm trong một tuần đầu để cây con hồi sức
5. Trồng và chăm sóc cây con
Khi cây con ra lá thật, cần chuyển cây con sang túi giá thể và nhà kính lớn để phát triển.
Kể từ khi cây có 5 – 6 lá thật thì cần cắt tỉa hết các nhánh lẻ, các nhánh lẻ chỉ được giữ lại sau khi cây phát triển đến lá thứ 8.
Giai đoạn này cây con cần thời gian thích nghi với môi trường mới do đó không tác động mạnh hoặc thường xuyên thúc ép dinh dưỡng.
Sau khi chuyển đổi môi trường từ 7 – 10 ngày tiếp theo, bắt đầu treo dây cố định cây để cây phát triển theo chiều thẳng đứng.
Từ ngày thứ 20 (sau khi chuyển cây con sang nhà kính) cây dưa lưới bắt đầu cho ra những bông hoa đầu tiên. Có nhiều cách thụ phấn nhân tạo cho cây có thể áp dụng là dùng côn trung như ong… hoặc dùng tay. Sau khi ra hoa, chúng ta cần thụ phấn trong vòng 3-5 ngày để chất lượng đạt cao nhất. Nếu số lượng ít có thể thụ phấn bằng tay, quá nhiều hoa thì nên nhờ sự trợ giúp thụ phấn từ ong.
Khi cây lớn được 22 – 25 lá thì bạn ngắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.
6. Chăm sóc cây dưa lưới
Đất trồng dưa lưới phải tơi xốp và cần tưới nước thường xuyên. Lưu ý cần bón thêm nhiều phân NPK giúp cây dễ ra hoa, đậu trái. Hoặc có thể chọn các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục,.. để bổ sung dinh dưỡng cho cây và tăng độ ngọt tự nhiên cho trái. Đặc biệt, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp bạn có những sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhất.
Tùy vào giai đoạn của cây mà sẽ có những công thức dinh dưỡng khác nhau. Giai đoạn đầu, cần cho nhiều phân đạm, giai đoạn tạo hoa đậu trái cần nhiều lân và giai đoạn sắp thu hoạch sẽ cần nhiều kali.
Tính từ ngày quả bắt đầu phình ra đến ngày chín khoảng 1 tháng, trong thời gian này cần phải bón phân NPK hàng tuần cho quả phát triển tốt. Bón thêm kali và đạm hàng tuần cho tới trước khi thu hoạch tầm 15 ngày.
7. Đậu trái
Sau khi thụ phấn thành công, tùy vào thể trạng của cây, lựa chọn giữ lại 1 hoặc 1 trái trên cây. Trái được treo trên móc treo nối với hệ thống cáp bên trong nhà lưới.
Sau đó tiến hành bấm ngọn cây để tập trung dinh dưỡng nuôi trái khi cây đạt 23 – 25 lá. (Khoảng 45 ngày sau khi trồng).
Trái lúc này bắt đầu tạo vân lưới, cũng là lúc cần kiếm soát tất cả các loại sâu bệnh hại có thể ảnh hưởng đến chất lượng trái. Vân lưới của trái được quyết định bởi dinh dưỡng và thời tiết.
8. Thu hoạch
Dưa lưới cho thu hoạch trong khoảng thời gian từ 75 – 90 ngày. Quả dưa khi chín thường có màu trắng ngà hay màu vàng, mùi thơm, gân lưới xuất hiện rõ. Cuốn của dưa lưới nứt xung quanh.
Trước khi thu hoạch dưa nên ngừng nước 7 ngày để dưa ráo nước và giòn ngon. Độ ngọt của dưa lưới dao động từ 14 đến 17 độ Brix là dưa đạt chất lượng. Trọng lượng dưa lưới dao động từ 1,4kg đến 2,5kg
Tổng hợp.