Địa Lan hay còn gọi theo tên khác là Lan Đất, loài lan này không quá khó trồng, tuy nhiên để có được chậu Địa lan hay vườn Địa lan như ý thì người trồng cần chú ý tới rất nhiều yếu tố khác nhau như kích thước chậu, độ ẩm, giống cây, nhiệt độ…
Yêu cầu cơ bản khi trồng Địa Lan
Trồng Địa Lan không phức tạp cách chăm sóc mới là điều ta cần phải chú ý nhiều nhất các kỹ thuật yêu cầu cơ bản như hướng gió, ánh sáng, độ ẩm…
Ánh sáng
Ánh sáng khoảng 50%-70% bạn nên sử dụng lưới che để tránh ánh nắng trực tiếp.
Nhiệt độ
Giữ nhiệt độ trong vườn khoảng 20-30 độ C, nếu nhiệt độ cao hơn thì sử dụng các phương pháp làm giảm nhiệt độ trong vườn bằng máy phun sương, quạt gió, điều hòa …
Độ ẩm
Độ ẩm thích hợp cho Địa lan khoảng 70%-85%, có thể dùng máy phun sương nếu bị độ ẩm quá thấp.
Không khí
Không khí cần để cho cây quang hợp, sự luân chuyển tốt của không khí cũng giúp tăng khả năng quang hợp của cây và nó còn giúp cây không bị sinh bệnh. Cần chút ý tới sự phá hoại của côn trùng, vấn đề bệnh tật của cây lan, cây lan có thể bị nhiễm rất nhiều loại bệnh do: nấm, vi khuẩn, virus gây ra. Việc phòng tránh và chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe mạnh là biện pháp hữu hiệu nhất!
Đất trồng/Giá thể
Có thể trồng bằng đất hoặc giá thể với tỷ lệ phối trộn khác nhau.
Kinh nghiệm mua Địa Lan giống
Khi mua cây Địa Lan, trước tiên hãy kiểm tra rễ cây. Những cây khoẻ mạnh sẽ có nhiều rễ. Rễ cây phải trắng và mập. Chiều dài của tất cả các rễ cộng lại phải lớn hơn 45 cm, nếu bạn trồng trong nhà và phải dài hơn 30 cm nếu trồng trong nhà kính. Nếu không thể kiểm tra rễ hãy cầm nhẹ nhàng vào cây và kéo mạnh ra. Một cây có bộ rễ khoẻ sẽ bám chặt vào xung quanh chậu.
Tháo cây giống đã mua về ra khỏi chậu, sau đó đặt ở có ánh sáng nhẹ và có độ ẩm cao để cây dần thích nghi với điều kiện môi trường mới.
Duy trì tưới nước bình thường và theo dõi cây trong suốt quá trình tưới nước để thấy được nếu nó phản ứng lại với môi trường. Lá cây có giữ được thẳng đứng không? Lá cây màu xanh thẫm hay hơi bóng? Thông thường cây mới phải mất 3 – 4 tuần mới thích nghi được với môi trường mới.
Kỹ thuật trồng Địa Lan
Chậu trồng
Chọn loại chậu phù hợp với điều kiện và phù hợp với cây trồng: loại lan lá dài, rủ thì nên chọn chậu cao, lan lá ngắn thì chọn chậu thấp hơn, khóm lan nhiều thân thì chọn đường kính chậu to.
Cây giống
Chọn cây địa lan giống đảm bảo chất lượng, cây to đep và không nhiễm sâu bệnh. Để thuận lợi cho việc duy trì sức sống của một cây đã trưởng thành và cho chùm hoa đẹp
Đất trồng/Giá thể
- Nếu là bùn ao phơi khô : dùng búa hoặc dao đập nhỏ, mảnh lớn nhất 2-3cm, nên giữ lại những vụn nhỏ cỡ 1-1,5cm
- Nếu dùng hỗn hợp xỉ than + cát đen: đập nhỏ xỉ than, vụn to nhất cỡ 1-1,5cm sau đó đem trộn đều với cát đen ẩm với tỉ lệ 60% xỉ+ 40% cát .
- Phần che phủ : có thể dùng rêu nước hay xỉ than đập nhỏ cỡ mảnh 1cm
- Một số phụ kiện khác: que tre, dây buộc (dùng lõi dây điện thoại rất tốt)
Tiến hành trồng Địa Lan
- Bước 1: Dùng vòi nước sạch để rửa sạch các khóm lan sau đó xếp lần lượt vào rổ, nên đánh dấu từng loại lan tránh nhầm (trong khi thao tác không làm hỏng rễ non).
- Bước 2: cho phần lót vào đáy chậu khoảng 5-7 cm tuỳ chiều cao chậu
- Bước 3: cho chất trồng chính vào chậu làm lần lượt như sau : .
Bùn ao khô
- Bước 1: Cho cục to xuống dưới, nhỏ ở trên tạm dừng lại khi cảm nhận đặt khóm lan vào chậu, thân cây xấp xỉ mặt chậu và dễ chạm chất trồng
- Bước 2: Xếp các khóm lan vào trong chậu cho cân đối nên xoay các thân già vào tâm chậu còn các thân trẻ hướng ra miệng chậu, như vậy bụi lan sẽ ở giữa chậu các cây con sẽ phát triển ra ngoài mép chậu.
- Bước 3: Sau khi đã xếp tương đối thì dùng một tay để giữ bụi lan (có thể dùng que tre và dây buộc để định vị các khóm lan) , tay kia cho đất vào chậu theo nguyên tắc nhỏ dần (vụn nhỏ nhất sẽ ở trên cùng). Cho tới khi chất trồng chính phủ kín 1/3 thân cây lan (trong quá trình cho chất trồng vào chậu thỉnh thoảng dùng 2 tay vỗ nhẹ vào thân chậu) .
Hỗn hợp xỉ + cát
- Bước 1: Xếp các khóm lan vào trong chậu cho cân đối. Nên xoay các thân già vào tâm chậu còn các thân trẻ hướng ra miệng chậu, như vậy bụi lan sẽ ở giữa chậu các cây con sẽ phát triển ra ngoài mép chậu.
- Bước 2: Sau khi đã xếp tương đối thì dùng một tay để giữ bụi lan (có thể dùng que tre và dây buộc để định vị các khóm lan) , tay kia cho giá thể vào chậu. Cho tới khi giá thể chính phủ kín 1/3 thân cây lan (trong quá trình cho giá thể vào chậu, thỉnh thoảng dùng 2 tay vỗ nhẹ vào thân chậu)
- Bước 3: Dùng rêu nước hay vụn xỉ than để phủ lên bề mặt chậu 1 lớp mỏng sao cho thân cây lan vẫn phải hở 1 phần trên lớp phủ.
- Bước 4: Dùng nước tưới đẫm toàn bộ giá thể nều trồng bằng bùn ao và dùng bình xịt để xịt rửa toàn bộ lá của lan. Nếu trồng bằng xỉ + cát thì chỉ dùng bình xịt để xịt rửa toàn bộ lá của lan
- Bước 5: Đặt các chậu lan mới trồng vào nơi râm mát.
Một số chú ý:
- Nên dùng chậu cao để tăng phần giá thể chính trong chậu.
- Nếu trồng lan đúng quy cách thì mùa nào trồng cũng được, tuy nhiên trồng vào mùa xuân là tốt nhất, khoảng từ tháng 2-3 âm lịch.
- Không nên bón lót bất cứ 1 loại phân nào trước khi trồng.
Kỹ thuật chăm sóc Địa Lan
Chăm sóc Địa Lan cũng không đơn giản, cách chăm sóc của vườn này không thể áp đặt hoàn toàn sang vườn khác. Thực chất chăm sóc Địa Lan là chúng ta liên tục duy trì đầy đủ các yếu tố cần thiết để cây sinh trưởng và phát triển như : ánh sáng, nhiệt độ , không khí, độ ẩm, phân bón. Người xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Như vậy cái mà ta đề cập đầu tiên là:
Nước
Nước hay độ ẩm rất cần cho lan sinh trưởng, địa lan rất cần nước để phát triển nhưng không thể quá nhiều sẽ dẫn tới úng mà chết. Nếu thiếu nước thì cây sẽ kém phát triển. Tưới lan nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thời tiết và khả năng thoáng gió của vườn lan. Những ngày nóng, độ ẩm không khí thấp thì có thể tưới 2 lần/ngày, ngược lại những ngày trời mưa nhiều, độ ẩm không khí cao thì không nên tưới (có khi còn phải che mưa) ; Những vườn lan thoáng gió thì nên tưới nhiều lần/ngày …
Phân bón
Sử dụng phân đạm (N),lân(P), kali(K), canxi (Ca), magiê(Mg)… chúng tồn tại ở 2 thể vô cơ (các loại phân chế biến sẵn cho lan) và hữu cơ (nước ngâm :ốc, xương, đỗ tương…ít nhất 1 năm ) địa lan ưa phân hữu cơ hơn. Nếu giá thể chính bản thân đã có đủ các dưỡng chất để cây lan phát triển thì chúng ta cũng không cần bón phân thêm quá nhiều phân bón. Chỉ cần bón phân 1tuần/lần và “thật loãng” với phân hữu cơ nồng độ 1/10 hoặc 1/20.
Sử dụngphân bón NPK (30-10-10), giai đoạn đầu cây đang sinh triển mạnh có thể sử dụng các loại phân bón có hàm lượng đạm cao, chất kích thích sinh trưởng (NAA, B1,…) Thỉnh thoảng chậu cây cần được ngâm vào nước không pha phân bón để rửa sạch các chất muối đọng. Dừng bón phân vào mùa đông, thời kỳ cây nghỉ ngơi.
Kiểm tra quá trình phát triển của rễ
Mùa xuân là thời gian tốt nhất thay chậu cho cây Địa lan của bạn và kiểm tra rễ của chúng. Cẩn thận giữ chậu xoay theo chiều ngang để nới lỏng chất trồng. Nếu như cây có rễ chật quá bạn cần đập vỡ chậu, nhưng cần kiên nhẫn xoay và nghiêng để rũ bỏ giá thể và nhổ cây ra khỏi chậu.
Trên đây là toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc cũng như các chú ý cần thiết đối với các giống Địa Lan. Chúc bạn thành công và có vườn Địa Lan thật ưng ý!
Tìm hiểu thêm các bài viết về kĩ thuật cây trồng tại đây!