Tên khoa học: Ipomoea aquatica
Thuộc họ Bìm bìm: Convolvulaceae
Hiện nay rau muống nước chủ yếu dùng các giống địa phương. Có hai giống: giống thân tím và thân trắng, nhưng giống được thị trường ưa chuộng là giống thân trắng nên được trồng khá phổ biến. Rau muống nước rất dễ nhân giống, có thể lấy giống từ ruộng rau đang thu hoạch. Thông thường chọn những đoạn thân bánh tẻ có mang nhiều đốt hoặc có thể tách từng khóm nhỏ mang nhiều nhánh con để trồng.
Một loại rau muống nữa được trồng khá phổ biến tại thành phố là rau muống hạt. Chúng được trồng trên đất khô không ngập nước, sản phẩm bán chủ yếu trong các siêu thị.
Thời gian gieo trồng ngắn, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao
KỸ THUẬT CANH TÁC:
Thời vụ
Rau muống có thể trồng quanh năm trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, trong mùa mưa rau muống thường bị nhiễm bệnh hơn mùa khô.
Chuẩn bị đất
Có thể trồng rau muống trên nhiều loại đất khác nhau. Rau muống gieo hạt hoặc trồng cạn cũng làm như các loại rau ăn lá khác đất được cày bừa kỹ bón vôi phơi đất, lượm sạch cỏ dại và tàn dư thực vật sau đó lên liếp, liếp rộng 0,8 – 1m, cao 12 – 15cm, mùa mưa lên liếp cao hơn khoảng 20cm.
Rau muống trồng nước: chuẩn bị đất như đất trồng lúa. Sau đó dùng đoạn thân có đỉnh sinh trưởng cây lên.
Trong mùa mưa, rau muống hạt trồng trên cạn nên trồng trong nhà lưới để tránh đất cát bám lên cây dễ nhiễm
các loại sâu bệnh.
Giống và khoảng cách trồng
Tùy theo đất trồng, giống và kỹ thuật trồng mà áp dụng mật độ khác nhau.
Đối với rau muống gieo hạt có thể gieo 8- 10kg hạt giống/1.000m2. Trồng theo hàng với khoảng cách hàng 10 – 15cm, và rải đều hạt lên trên hàng.
Đối với rau muống nước khi cấy nên cấy ở khoảng cách 20 x 25cm/bụi và mỗi bụi có 2 – 3 nhánh để mau cho
thu hoạch. Khi cấy nên vùi đất kín 2 – 3 đốt.
Bón phân
Tùy theo đất mà lượng bón khác nhau. Trung bình lượng phân bón như sau:
Lượng phân bón (tính cho 1.000m2) trong một vụ trồng: Phân hữu cơ hoai: 2 tấn, 15 kg phân Urê, 20kg phân super Lân, 5kg phân Kali.
Cách bón như sau:
Bón lót:
Toàn bộ phân hữu cơ, phân super Lân, 1/2 lượng phân Kali, 1/3 lượng phân đạm. Phân được bón vào đất lúc đánh hàng gieo hạt.
Bón thúc:
Thúc lần 1: 10 – 12 ngày sau với 1/3 lượng Urê
Thúc lần 2: 25 ngày sau gieo với lượng phân còn lại.
Lưu ý không bón quá nhiều Urê, cần bón Urê lần cuối vào trước khi thu hoạc ít nhất là 1 tuần.
Nếu bón NPK hoặc DAP, cần phải tính lại lượng phân đạm, lân, kali cho phù hợp.
Nên sử dụng thêm các loại phân sinh học như WEHG và giảm bớt lượng phân hóa học.
Phòng trừ sâu bệnh
Dịch hại chính trên rau muống là: Ốc bươu vàng, sâu khoang, rầy, bệnh gỉ trắng, đốm lá, tuyến trùng…..
Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với dịch hại rau muống sẽ hiệu quả cao như vệ sinh đồng ruộng, bắt ốc, ngắt bỏ ổ trứng ốc, sâu khoang. Biện pháp che phủ bạt nilon trong mùa mưa, bón phân cân đối có hạn chế ngăn ngừa bệnh hại rau muống có hiệu quả.
Trong mùa mưa nên trồng trong nhà lưới giúp cho cây có khả năng chống bệnh tốt hơn.
Khi sâu bệnh có mật số cao có thể gây hại dùng thuốc BVTV như sau:
Đối với sâu khoang: Dùng các loại thuốc ít độc như nhóm Abamectin, các loại chế phẩm vi sinh: thuốc có nguồn gốc từ Bt như Biocin, Depel…, có nguồn gốc NPV như Vicin, Seba… hoặc dùng thuốc thảo mộc như Rotenone hoặc Neem. Có thể dùng thuốc gốc Cúc tổng hợp như Sumicindin,
Karate…
Đối với rầy hại: Dùng Butyl, Trebon, Actara, Oshin…
Đối với bệnh: Có thể dùng Monceren, Ridomyl MZ…